Mình đã có một chuyến đi cực sung và cực kỳ thú vị. Bởi vậy mình nghĩ mình nợ Thái Lan nhiều lời khen và một lời cảm ơn, vì đã cho mình một trải nghiệm THÁI LAN – NGHIÊNG NGẢ PHIÊU DU quá sức tuyệt vời.
Chuyến đi hoàn toàn do mình tự lên kế hoạch và lịch trình nên mình những gì mình chia sẻ cũng hoàn toàn do tự mình trải nghiệm. Tổng chi phí cho chuyến đi của mình tính luôn cả vé máy bay là 6 triệu VND.
Nếu có những câu hỏi cụ thể, mọi người cứ hỏi nhé!
Bạn từ mẫu giáo của mình … <3
1. Đáp máy bay đi Thái Lan
Mình khởi đầu mọi hứng khởi của mình bằng một chuyến bay.
Vé máy bay đi Thái Lan bây giờ quá đơn giản để book trên website của các hãng Airlines. Đặc biệt nhiều hãng máy bay với chính sách ưu đãi mang lại cho chúng ta những chặng bay khứ hồi với giá “siêu cưng”. Bạn có thể tham khảo một số hãng Airlines như Vietjet, AirAsia… (nhiều nhiều nữa, nhưng mình thường search vé của 2 hãng này).
Khứ hồi TP Hồ CHí Minh (SGN) ⬄ Dong Muang (DMK) khoảng $50 – $90 (phải canh giá rẻ nhé)
Đừng quên giữ liên lạc
Vừa xuống sân bay các bạn nên tìm mua cho mình một thẻ sim để tiện giữ liên lạc khi cần thiết nhé. Đi chơi thì cứ thỏa thích nhưng an toàn và phòng bị phải luôn luôn đặt hàng đầu.
Thẻ sim điện thoại thì giống ở Việt Nam thôi. Có nhiều loại sim cho bạn chọn. Bao gồm cả sim chỉ nghe gọi và sim có đăng ký sẵn internet (ở Thái Lan đã có hỗ trợ mạng 4G). Internet di động được đăng ký theo kỳ hạn (3 ngày, 7 ngày, 2 tuần…), tùy theo thời gian bạn muốn sử dụng, có mức giá khác nhau. Mình đi 4 ngày 3 đêm nên mua sim 7 ngày luôn cho dư dả.
2. Khám phá giao thông Bangkok
Góc đường tại trạm BTS Mochit
Mình tới DMK vào buổi sáng, sau đó xuất phát đi Chiang Mai vào buổi tối nên nếu tranh thủ, dạo dạo một vòng Bangkok là hoàn toàn khả thi.
Từ sân bay Dong Muang về thành phố Bangkok, bạn có thể bắt xe buýt A1 hoặc A2. Trạm dừng đầu tiên ngay trong sân bay nên rất tiện bắt xe buýt. Xe buýt đưa mình tới trạm Mochit (hầu hết khách đi từ sân bay sẽ xuống ga này, nếu lo lắng bạn cứ la to Mochit cho nhân viên soát vé, không ai phiền cả đâu).
Mochit là trạm BTS (hệ thống tàu điện) đầu tiên và là đầu mối đưa bạn đi hết các địa điểm muốn đến ở Bangkok. Sau khi vào ga BTS, việc duy nhất bạn cần làm là mua thẻ/ vé BTS. Trên máy có in hành trình và trạm dừng của BTS. Ứng với mỗi trạm dừng là một con số. Con số này cũng là số tiền bạn phải trả để mua vé luôn. Giá siêu rẻ, tối đa lầ 42 baht (khoảng 27K vnd). Tất cả đều có bảng hướng dẫn nên cứ từ từ, chỉ cần 1 lần bạn sẽ thông thạo cách mua thẻ ngay. Gà bẩm sinh như mình còn làm được mà.
Hệ thống bán thẻ hoàn toàn tự động nên rất tiện lợi. Tất cả máy bán thẻ đều dùng tiền coin nên bạn nhớ đổi tiền tại các quầy hướng dẫn. Tại các quầy này, đôi khi cũng bán thẻ cho bạn luôn. Mua thẻ rồi thì cứ làm theo những người đi phía trước và yên tâm là bạn sẽ được lên tàu.
Mình luôn sợ cái cửa đóng/mở tự động của ga tàu nên lúc nào xác nhận thẻ xong cũng chạy qua rất nhanh. Nhưng đừng lo, cái máy hiền lắm. Do mình gà và làm màu thôi.
Trên thẻ đi tàu có in hành trình và trạm dừng của tàu. Trong tàu lại có hệ thống loa báo trạm tới bằng cả tiếng Anh và tiếng Thái nên miễn bạn biết đích đến thì bạn đi tới nơi về tới chốn.
Nếu lỡ đi quá trạm, bạn cứ xuống tàu bắt chuyến ngược lại để đi. Nếu trạm bạn xuống khác số tiền ban đầu bạn bỏ ra, cứ liên hệ với phòng hướng dẫn, họ sẽ yêu cầu bạn bù thêm tiền hoặc thối tiền thừa cho bạn.
Mọi thứ đều rất xuất sắc (hệ thống đơn giản, chặt chẽ – tàu sạch sẽ, thoải mái – trạm dừng nhiều và lịch sự). Chỉ vì ở Việt Nam chưa có BTS, mình “lúa cuối mùa” nên mới viết ra cụ tỉ vậy thôi chứ đơn giản lắm. Yên tâm nha!
3. Tàu hỏa từ Bangkok đi Chiang Mai
Lịch trình của mình là từ Bangkok đi Chiang Mai bằng tàu hỏa.
Tàu hỏa ở Thái Lan có nhiều loại với nhiều hạng ghế ngồi (xếp theo mức độ thoải mái) khác nhau. Mình đi tàu số 13, hạng giường nằm có máy điều hòa (2nd class bed with AC). Và mình đồng ý với một ý kiến trên internet là hạng 2nd đã quá tốt, mình không cần đến 1st class. Nhưng nếu có dịp, mình cũng muốn trải nghiệm “sang chảnh” là thế nào.
Bên trong tôa tàu 2nd class bed ưith A/C (sẽ được nhân viên trải ra trắng và chăn gối sau)
Mình mua vé tàu hỏa trước khi đi 2 tuần qua internet. Có một điều bất tiện là Đường Sắt Thái Lan không có hệ thống mua bán vé trực tiếp trên internet. Mình đã truy cập vào website này http://www.seat61.com/Thailand.htm#.V5WzsPl97IU và được link tới một website thailandtrainticket.com của đại lý vé tàu trên là Travex (hình như là một công ty du lịch). Sau khi bạn điền đủ thông tin và thư yêu cầu booking, đại lý này sẽ gửi cho bạn email yêu cầu xác nhận chắc chắn bạn muốn booking và mã thanh toán. Bạn làm theo hướng dẫn trên email và thanh toán tiền vé. Sau khi thanh toán bên đại lý vé sẽ gửi bạn một email xác nhận bạn thanh toán thành công và xác nhận vé của bạn đã được đặt thành công.
Giá vé 2nd class đi Chiang Mai là 1025 THB/ vé (khoảng 700K vnd).
Ngoài ra, có nhiều loại tàu và nhiều hạng ghế ngồi khác nên tất nhiên bạn có nhiều sự lựa chọn. Tham khảo link ở trên nha!
Việc giao vé tàu khá thủ công và không được thực hiện trực tuyến (không in vé ra để đi tàu như Việt Nam được). Bất tiện mỗi chỗ này thôi. Bạn phải nhận vé bằng bưu điện hoặc lấy trực tiếp tại văn phòng vé (làm việc 8:00 AM – 5:00 PM). Nếu bạn trễ giờ lấy vé tàu, cũng chẳng có gì rắc rối hết. Cứ đi thẳng ra ga Bangkok (Hua Lampong) bằng hệ thống MRT (tàu điện ngầm), ở đó sẽ có người giao vé cho bạn, và nhớ trả phí delivery 300 baht cho nhân viên nhé!
Làm sao để bắt MRT? Tai trạm Hua Lamphong của BST, bạn ra khỏi ga. Tìm cầu thang đi xuống, đi xuống, đi xuống… (hình như 3 lần xuống) là tới. Nếu lo lắng, cứ hỏi, đừng ngại!
Tàu hỏa ở Thái Lan yêu cầu khách lên tàu trước 30 phút, chú ý đừng trễ nha!
4. Chiang Mai
Mình chọn chuyến tàu xuyên đêm từ Bangkok đi Chiang Mai nên tiết kiệm được 1 đêm khách sạn và được trải nghiệm một giấc ngủ lắc lư, xình xịch. Nghĩ lại chỉ thấy thú vị thôi, không có gì để chê trách đâu. Tàu xịn, nhân viên thân thiện, giường êm, sạch… tóm lại là siêu cưng.
Tham quan Chiang Mai từ cái nhà ga luôn đi. Đẹp lắm! Góc nào cũng gọn và đẹp, ai cũng cười nhiều, cả bác bảo vệ, cứ xin chụp ảnh là tạo dáng sẵn sàng luôn. Cứ thả sức cười, nói, chụp ảnh và bị “cửa đổ” bởi cái ấn tượng đầu tiên quá dễ thương.
Về khách sạn/ chỗ ngủ ở Chiang Mai thì mình miễn bàn nha. Bây giờ trên internet có quá nhiều thông tin khách sạn rồi, cứ google là đủ hết. Mấy bạn tự tìm nha.
Từ ga Chiang Mai tới nơi bạn muốn đến có tuk tuk, taxi, grab… tha hồ lựa chọn. Nếu đi tuk tuk thì cứ thoải mái mặc cả, nhưng mình thấy ở Thái Lan không bị nói thách hay giá cắt cổ gì đâu. Càng lúc càng ưng.
Đi lại ở Chiang Mai thì cứ làm như “phượt” ở Việt Nam là được. Cứ hỏi khách sạn của bạn, họ sẽ chỉ cho bạn chỗ thuê xe máy. Đừng đắn đo về giá vì giá chẳng cần phải đắn đo, rẻ hơn Việt Nam nhiều mà còn đảm bảo xăng đầy sẵn cho khách. Cũng nên chú ý là ở Thái laiis xe vìa pphias tay trái, tuyệt đối tránh bóp còi xe, luôn bật đèn xe. Sau cùng, chỉ cần định sẵn địa điểm và “phóng” thôi.
Các điểm đến ở Chiang Mai được check in khá nhiều trên internet và chẳng khó để tìm vài địa điểm du lịch thú vị và đặc trưng của Chiang Mai.
Ở đây mình chỉ giới thiệu một số cái tên (xem ảnh), có phương tiện di chuyển rồi thì bạn cứ dùng google maps và vi vu.
5. Dạo chơi ở Chiang Mai
Chùa chiềng
Một trường học bên trong một ngôi chùa ở Chiang Mai
Thái Lan là đất nước của những ngôi chùa. Sẽ thật thiếu sót nêú bạn không trải nghiệm không gian tôn giáo vừa thiêng liêng vừa bình dị tại những ngôi chùa mái nhọn rực rỡ, uy nghi.
Grand Canyon
Nhân tạo 100%, nhưng rất thích. Những mỏm đất đá được gọt giũa thành những bức tường cao và phẳng. Những bức tưởng đỏ này quây xung quanh tạo thành những hồ nước có độ sau khác nhau. Trên mặt nước có rất nhiều bè làm từ nhiều thân cây nhỏ kết với nhau
Hầu hết khách du lịch đến đây đều là người trẻ. Nhìn những làn da rám nắng và những bộ bikini sặc sỡ sắc màu bạn sẽ thấy thanh xuân rất đáng níu kéo.
Những nhóm du khách rất thích thú với trò nhảy từ bờ cao xuống mặt nước cách đó 32m. Mình không đủ dũng cảm để nhảy nhưng trong lòng tự nhủ… sẽ ráng thử một lần trong đời.
Những cung đường đèo xuyên rừng và thành phố phủ mây
Cứ như lái xe rời xa xô bồ để tìm đến an yên.
Đây là những cung đường dẫn lên ngôi chùa nổi tiếng nhất Chiang Mai.
Tại đây, bạn có thể thâu cả thành phố Chiang Mai bên dưới vào tầm mắt du ngoạn của mình. Nếu thong thả, bạn có thể ở lại chờ CHiang Mai lên đèn để ngắm nhìn thành phố lung linh huyền ảo ngay dưới chân núi.
Có điều mình khuyến cáo các bạn nếu chọn phương tiện là xe máy. Thì, những cung đường đèo vào ban ngày thì quá sức tuyệt nhưng về đêm thì sợ kinh người. Ai hay xem phim kinh dị hay đầu óc hay tưởng tượng đen tối như mình thì tránh về quá trễ nhé! Đường tối không hề đẹp mà sâu hun hút, hai bên là rừng, rất đáng sợ. Đi sớm về sớm nha!
Đêm tại Chiang Mai
Thói quen du lịch của mình là tìm hiểu sinh hoạt về đêm của giới trẻ nơi mình đến. Tại Chiang Mai, mọi người khá chăm chỉ làm việc. Ngoài ra, việc đi dạo, uống bia và ăn vặt tại các quán ven bờ sông cũng khá giống Việt Nam.
Bia họ uống nhiều nhất là Chang – Bia Thái Lan.
Kết thúc 1 ngày 1 đêm tại Chiang Mai, mình trở về Bangkok bằng chuyến bay sớm của AirAsia Thailand. Vé 1 chiều là 800K VND. Ở Chiang Mai không có kẹt xe nên các bạn cứ canh giờ mà đến sân bay. Phương tiện có thể là taxi hoặc tuk tuk.
Đường phố Chiang Mai nhìn từ khoảng trống phía sau xe tuk tuk
6. Buổi chiều viếng Ayutthaya hoài niệm
Từ Chiang Mai về Bangkok mình mất gần hết buổi sáng. Tưởng bỏ kế hoạch đi cố đô Ayutthaya rồi nhưng hoá ra cái khó ló cái liều. Mình dành 5h đồng hồ và đã thoả mãn ngắm nhìn Ayutthaya.
Từ Bangkok đi Ayutthaya có nhiều cách. MÌnh đề cập 2 cách tiện lợi và rẻ nhất:
– Xe buýt: Bắt BTS tới trạm Victory Moument, tại đây có bến xe buýt chuyên đón chở khách đi Ayutthaya. Sau khi liên hệ nhà xe, họ sẽ đưa bạn ra tận xe để khởi hành. Giá vé 60 bath/người. Xe sẽ đưa khách tới siêu thị lớn Robinson của Ayutthaya.
Tới đây bạn có thể mua tour tham quan Ayutthaya bằng tuk tuk, hoặc đi tuk tuk tới ga Ayutthaya để tìm tour phong phú hơn hoặc có thể thuê xe máy tự đi. Ngay trước ga Ayutthaya có một con đường có đầy đủ dịch vụ cho thuê xe đạp xe mấy rất tiên lợi.
– Tàu hỏa: Vé siêu rẻ, tầm 10 – 20 baht/vé/người. Xuất phát từ ga Bangkok (Hua Lampong) đến ga Ayutthaya (71 km, khoảng 2 đến 3 tiếng). Chặng này ít người đi nên không cần đặt vé trước. Cứ đến ga và liên hệ mua vé thôi.
Dù đi bằng cách nào thì bạn cũng cố gắng tìm đến nhà ga Ayutthaya nhé. Vì xung quanh khu vực nhà ga có rất nhiều dịch vụ cho thuê phương tiện di chuyển: xe đạp, xe máy, mô tô phân khổi lớn (mình không thấy cho thuê Ô tô)
Vì Ayutthaya là cố đô của Thái Lan nên tại đây có rất nhiều chùa, tháp và lăng mộ thu hút khách du lịch thăm viếng mỗi ngày.
Quần thể này chia ra làm nhiều khu, mỗi khu đều có tường chắn và phỏng quản lý riêng. Vào từng khu bạn phải mua vé riêng biệt. Cứ mỗi lần ra vào bạn cần gửi xe mà mua vé 50 baht/ người + phí giữ xe (mình không nhớ rõ). Các khu tuy gần nhau nhưng phải mua vé nhiều lần khiến mình hơi phiền một chút, nhưng cảm giác hoài niệm nhiều cảm xúc nơi này mang lại sẽ khiến bạn quên đi tất cả khó chịu để mở lòng hứng lấy không gian lịch sử nơi đây.
Nhà ga Ayutthaya
Từ Ayutthaya quay về Bangkok mình đi bằng tàu hỏa. Chuyến tàu trễ nhất là 9h hơn một chút. Nhưng nếu bạn cần di chuyển bằng BTS sau khi về tới Bangkok thì nên đi chuyến tàu sớm hơn (có nhiều khung giờ, cách nhau 15 đến 20 phút/chuyến), vì BTS chỉ hoạt động đến 23h mỗi ngày.
Nói là đi thăm Ayutthaya nhưng thật ra mình chỉ đi thăm được mỗi quần thể di tích chùa, tháp, cung điện và lăng mộ ở đây. Tham quan chụp ảnh tranh thủ một chút thì chỉ cần một buổi chiều bạn có thể tham quan hết cả quần thể di tích Unesco này rồi. Nếu bạn có được cả ngày thì cứ thong thả nhé!
7. Dạo chơi Bangkok và kết thúc chuyến đi
Bangkok thì có rất nhiều điểm đến cho bạn check in và mua sắm.
Di chuyển giữa các địa điểm ở Bangkok thì chủ yếu dùng taxi (mình thấy taxi màu hồng được khuyên dùng ở Thái) , grab, BTS và MRT. Tuy nhiên tình hình kẹt xe ở Bangkok cũng rất đáng sợ nên mình khuyên các bạn nên chọn BTS và MRT (trừ những tuyến đường không được trang bị phương tiện này.)
Bạn có thể tham quan Hoàng Cung Thái Lan (500 baht/vé/pax), Central World, Siam Center, Siam Paragon… hoặc các công trình kiến trúc thương mại trong thành phố.
Xa hơn một chút nữa thì có vài chợ nổi khá nổi tiếng và nhộn nhịp. Mình chọn chợ Taling Chan để ngắm nghía. Đi tới chợ có thể đi bằng taxi hoặc grab.
Sao người Việt Nam qua Thái mua hàng nhiều đến vậy? Vì đồ quá rẻ và quá đẹp.
Chợ Chatuchak nói tên ra chắc ai cũng nghe quen. Vừa xuống trạm BTS Mochit, đi bộ vài phút là tới chợ rồi. Ở đây các bạn tha hồ lựa hàng hóa và trả giá nhé. Yên tâm là trả rẻ cỡ nào mà được ừ bán nhanh gọn thì 100% là bị hớ nên cứ trả rẻ nhất có thể. Đồ bày ra nhìn mê cả mắt. Tuy nhiên. mình không ham mua sắm nên phần này các bạn tự trải nghiệm nha!
Mình đã dành chợ Chatuchak làm điểm đến cuối cùng. Sau khi ra khỏi chợ là có ngay bến đón xe buýt A1, A2 đi sân bay Don Muang (mất khoảng 45 phút để tới sân bay). Nhớ canh giờ nha!
Và, bay về SGN, kết thúc một chuyến đi đầy thú vị.
Thái Lan là một đất nước tuyệt vời và du lịch Thái Lan rất đáng để học hỏi.
Cảm ơn Thái Lan, đã “cưa đổ” mình bằng một chuyến đi mê tít đến ngả nghiêng.
P/S: Nếu có thêm bất kỳ câu hỏi nào, mọi người cứ để lại comment nhé! MM sẽ cố gắng trả lời trong kinh nghiệm rong chơi hạn hẹp của mình.