Buổi chiều hôm nay bỗng qua nhanh một cách lạ lùng. Mây không ai đuổi cũng hối hả trôi cùng dòng, ánh sáng không ai đuổi mà cũng vội vã thu lại cuối chân trời. Những ngôi nhà cao tầng nhìn từ cửa sổ phòng bệnh bắt đầu in màu hoàng hôn lên lớp kính ốp. Tường đứng tựa suốt vào cánh cửa đợi chờ tín hiệu của bác sỹ. Thắng vẫn ngồi ngay hàng ghế đối diện phòng bệnh, gương mặt như phủ một ngàn đám mây xám. Không chỉ mình Thắng, cả ba mẹ Thắng, ba mẹ Tường, những đứa em trong quán của Tường đều hiện rõ sự lo lắng trên gương mặt. Tường biết mỗi người có một nỗi lo khác nhau dù tâm trạng chẳng ai tốt hơn ai. Tường đưa bàn tay đặt ra sau gáy, xoay xoay cổ một chút cho đỡ mỏi. Tự nhiên Tường thấy có chút nhẹ nhõm, như thể chỉ là vô tình tất cả mây đen hôm nay kéo ngang qua phòng bệnh của Cường. Kéo qua đây rồi thì sẽ tan thôi. Những chuyện khó khăn chỉ đáng sợ khi đối mặt một mình, ở đây bao nhiêu con người dù mục đích khác nhau nhưng cùng mong chờ một kết quả duy nhất, chuyện khó chẳng còn đáng sợ nữa.
Cánh cửa phòng bệnh mở ra, mọi người đồng loạt rời khỏi vị trí của mình và chờ đợi thông báo của bác sỹ.
– Bệnh nhân tỉnh rồi. Mọi người phải lo lắng nhiều rồi.\”
Ai cũng để nụ cười và vài giọt nước mắt thư giãn những gương mặt tưởng chừng như đã đóng băng. Tường cũng cảm thấy có cơn gió bông đùa mang tới một luồng không khí khác thay cho những đám mây khi nãy.
– Chúng tôi gặp Cường được không, bác sỹ?
Bác sỹ lấy một tay ra khỏi áo blouse đỡ gọng kính:
– Được. Nhưng bệnh nhân chỉ có thể gặp từng người một, đừng ở lâu quá, bênh nhân vẫn còn chưa phục hồi và cần nghỉ ngơi.
Ba mẹ Thắng không vào gặp Cường. Cũng phải, như vậy dễ dàng hơn cho cả hai người và cho cả Cường nữa. Cả hai bên đều chẳng có gì để nói với nhau. Nếu là những lời trách móc thì không phải lúc còn nêú là xin lỗi thì đã chẳng cần thiết nữa rồi. Ba mẹ Tường chỉ vào nhìn Cường mỉm cười, nắm tay nó môt cái rồi đi ra. Đám em ở quán cũng vào để sờ má nó một cái, cầm tay nó một cái, có đứa dám hôn lên mặt đầy dây nhợ của Cường nữa. Đến lượt Thắng, Thắng bảo Tường vào trước, vì Thắng muốn ở với Cường lâu một chút. Tường đẩy cánh cửa bước vào.
Cường đã có chút sắc hồng trên da nhưng những thương tích vẫn khiến cơ thể nó như gồng gánh chịu đựng nỗi đau kinh khủng. Tường biết nỗi đau đó đến từ trong lòng nhiều hơn.
– Giỏi lắm, Cường!
Cường nhắm chặt đôi mắt để giọt nước mắt rơi ra rất nhanh như thể bị kiềm nén suốt chiều dài giấc ngủ.
– Chị hiểu mà. Bây giờ em chưa cần nghĩ gì hết, cứ khỏe lên trước đã. Ít nhất phải có sức để mà sống trước
– Chị…
Cường mở lời yếu ớt:
– Mật khẩu điện thoại… của em là 4311, em xin chị… giúp em!
Rồi sau đó hai chị em chẳng còn nói gì với nhau nữa. Tường hôn nhẹ lên trán Cường rồi nhường thời gian cho Thắng. Tường không hề hồi hộp hay nôn nóng muốn xem Cường muốn nhờ Tường điều gì. Cường vừa từ cõi chết trở về, Tường cho phép mình nhẹ nhàng hít thở những luồng không khi mới toanh không pha lẫn sự bồn chồn. Cứ nhẹ nhàng và bâng quơ, Tường lại thấy mình đã lên tới sân thượng bệnh viện từ lúc nào.
Bất giác Tường nghĩ đến anh chàng kia. Tên Việt thì phải. Tường vẫn chưa tìm ra kính mắt nên đành dùng tạm cặp kính cũ. Dù vậy mọi thứ cũng nhòa đi nhiều. Tối nay có lẽ Tường nên gặp ai đó. Ai cũng được, miễn sao có thể kéo Tường ra khỏi những ngày gần đây. Tường lại lôi chiếc điện thoại đã sắp cạn pin, số của Việt: \”Gặp nhau và làm tình đi!\”. Tường bấm nút gửi không đắn đo. Tín nhắn trả lời dường như ngay lập tức nên hơi làm Tường bất ngờ. \”Tín nhắn của bạn không gửi được.\” Thật là không đâu, Tường tự mỉa mai chính mình. Dẫu có một người đột ngột xuất hiện, đột ngột tốt với mình, đột ngột nói yêu mình một cách hời hợt thì cũng không nên nghĩ người ta sẽ vì mình mà có mặt mỗi khi mình cần họ. Tường lại ngồi tựa vào lan can sân thượng. Gió Sài Gòn vẫn cứ mát vào buổi xế chiều. Nhưng Tường sẽ không để mình buồn ngủ nơi này, vì tối nay sẽ chẳng ai tìm cho Tường gối êm và chăn ấm nữa. Tường lại tự vỗ vào mặt mình như trừng phạt. Làm phụ nữ độc lập ở tuổi sấp xỉ 30 rồi, những suy nghĩ ủy mị đó sẽ như cơn gió nhỏ, góp hoài thành bão lớn rồi xô nghiêng người đàn bà trưởng thành bên trong Tường mất. Tường sẽ không để điều đó xảy ra.
Hiếm hoi Tường có một buổi tối nhẹ nhàng. Ba mẹ Tường và cá nhà Thắng sẽ ở lại bệnh viện. Cường cũng đã qua nguy hiểm, bây giờ chỉ còn chờ hồi phục. Tường lại tới quán bar của anh Sơn. Tối nay dường như Tường vô cảm với những chiếc ghế sân khấu, cả âm thanh cũng vô vị. Ngồi chưa ấm chỗ Tường đã đứng lên, gật đầu chào anh Sơn một cái rồi ra về. Có lẽ chiếc giường ở nhà sẽ giúp Tường nhiều hơn là không gian một quán bar pha trộn tất cả tâm trạng của hàng chục người. Kỳ lạ, đôi khi đang vui người ta cũng muốn một mình.
Căn hộ dã mấy ngày vắng Tường. Mọi thứ vẫn vậy nhưng có gì đó xa lạ. Rõ là vậy. Cuộc sống này, cứ rời xa đủ lâu thì những thứ dù đã thuộc về mình cũng có thể từ quen hóa lạ, từ gần hóa xa, từ thân thuộc trở thành dửng dưng. Tường đến bên tủ quần áo. Cô đặt tay lên cửa tủ nhưng lại thôi không định mở tủ ra nữa. Tường trút bỏ bọ quần áo ám mùi ê te trên người, đi thẳng vào buồng tắm. Ở đó, những tia nước mạnh thôi đi giúp cô nhưng nghĩ suy trong phút chốc. Tường hiểu tại sao sư trụ trì và các tiểu hòa thượng cần nước đến vậy. Nếu không có nước, cuộc sống này lúc nào cũng sẽ nóng bỏng và ngột ngạt. Đôi lúc chỉ cần tắm thật lâu và thật chậm là đủ để bỏ quên những tâm tư. Buồng tắm thì chắc chắn không phải là thiên đường nhưng có thể là một chỗ khiến Tường cảm thấy tự do nhất.
Bước ra khỏi buồng tắm với tấm khăn quấn quanh người, Tường bước ra ban công để nhờ gió hong khô mái tóc. Gió mùa này mạnh và nhiều hơi nước. Tường biết sẽ chẳng tốt hơn nếu cơ thể gánh thêm một cơn cảm lạnh. Nhưng chẳng sao, nếu cảm lạnh thì cô sẽ tự cho phép mình có một giấc ngủ thật dài. Ban công vẫn tự mình xanh biếc. Mùa mưa Sài Gòn rõ là đã chăm chỉ tưới mát cho những chậu cây của Tường. Cô ngồi vào chiếc ghế gỗ, để hai bàn chân chìm trong đống sỏi trắng mát lạnh bên dưới. Tường nhắm mắt lại và nghi về Cường. Cơn gió buổi khuya không những hong khô mái tóc cho Tường mà con dìu cả nhọc nhằn của cô chìm sâu vào giấc ngủ.
Tường thức giấc vì một cơn gió lạnh thổi ngang qua khuôn mặt dở dang giấc ngủ của cô. Vừa lúc đó điện thoại vang lên, hình như tiếng chuông đổ đã lâu. Tường nghe máy và đầu dây bên kia là tiếng nấc nghẹn ngào của Thắng: \”chị ơi! Cường đi rồi… Cường bỏ chúng ta đi rồi… em biết phải làm sao đây?\”. Trống rỗng. Nước mắt Tường không hề trào ra từ khóe mắt mà vón cục lại nghẹn cứng cổ họng cô. Chẳng ai biết trước một cuộc hành trình sẽ kết thúc cho đến khi nó kết thúc. Chẳng ai đoán được chuyện ở tương lai cho tới khi chuyện đó xảy ra. Lẽ ra Tường phải chạy ngay tới bệnh viện với mọi người. Nhưng không, cô nằm sấp xuống giường để cơn đau uất nghẹn trong cổ họng tiếp tục ru cô vào một giấc ngủ mới. Và chắc chắn đó là giấc ngủ mời, không phải giấc ngủ nối tiếp vì bị đánh thức khi đang dở dang.
(còn tiếp)