BA TÔI HAY TRẦM NGÂM

Những ngày tôi còn được ở nhà với ba mẹ là những ngày toi trân quý cất giữ như kho báu. Trong hòm kho báu lấp lánh của tôi có hình ảnh ba tôi hay ngồi trầm ngâm nhìn xa xăm.

Công việc ba bận lắm. Nhiều cô dì chú bác đến đặt ba đóng đồ đạc bằng gỗ. Những lúc ba có khách, ba nói chuyện thật điềm đạm và cười cũng nhẹ nhàng. Ba kiệm lời vô cùng, nhưng lúc ba nói ra, ba nói những câu thật đúc kết và thật đúng. Ngày còn nhỏ xíu, tôi hơi xa cách với ba chắc cũng vì ba kiệm lời.

Dĩ nhiên ba khác xa với mẹ. Mẹ thì nói nhiều lắm. Mẹ hay nói những điều đùa vui. Mẹ nói ra một cái là cả nhà cười, cả ba cũng cười nữa. Mẹ với ba xưng với nhau là anh với em. Hình như vợ chồng ai cũng vậy hết. Lúc đó mình nghĩ chồng lúc nào cũng lớn hơn vợ rồi, nên cô nào cũng gọi chồng là anh, chú nào cũng gọi vợ là em mà. Những ngày còn nhỏ tôi hay rút ra những kết luận xa xôi.

Vì còn nhỏ nên tôi chăm ngắm nhìn và lắng nghe. Rồi tôi bắt gặp ba hay ngồi im lặng. Ba hay ngồi vào buổi chiều, lúc xe ngoài đường đã bớt đông, khách tới đặt hàng cũng thôi lui tới. Ba có hút thuốc. Ba nhả khói ba ba ngang qua mớ tóc mái phủ nhẹ trên trán ba. Ba nhìn gì đó xa lắm. Tôi cứ nhìn theo hướng nhìn của ba nhưng ngoài những rặng cây bạch đàn và dương liễu chắn dày ngoài sân, tôi chẳng thấy gì nữa. Ba cứ ngồi như vậy hàng giờ, ngồi bất động, nhả khói và suy tư.

Có lúc tôi cũng đánh bạo chạy lại gần ba. Tôi giả vờ nhặt mấy dăm bào xoắn xoắn để chơi trò công chúa rồi chích chích ngón tay vào chân ba hỏi ba đang làm gì. Ba nói ba làm \”cà lí lố\”. Chị em tôi cả 4 đứa đều không biết \”cà lí lố\” là gì đâu. Nhưng cứ đứa nào hỏi ba đi đâu, làm gì, với ai, ăn gì, nói chuyện gì thì ba đều trả lời \”cà lí lố\”. Thiệt giống mấy chú lùn xì-trum, cái gì cũng xì-trum. Và rốt cuộc tôi cũng không biết ba ngồi bất động để làm gì.

Ba tôi chưa từng khóc trước mặt tôi. Mà chắc ba chẳng khóc đâu, ba là đàn ông người lớn mà. Nhưng mà sao lúc ba ngồi trầm ngâm, nhìn ba buồn lắm nhé. Dáng ba cứ cong cong như đang ngồi tỉ mẫn bào cho nhẵn những tấm gỗ. Tóc ba bay bay lòa xòa trước trán ba chẳng buồn vén lên. Trán ba nhô cao và cương nghị lắm, như thế sẵn sàng hứng lấy mọi điều cuộc sống đem tới. Ba ngồi trên bàn nề, hai chân đặt lên ghế thấp hơn. Hai khủy tay ba chống lên gối rồi chồm người về phía trước. Cái dáng ngồi cứng lại như một cái khung. Đúng rồi, ba ốm lắm, nên ba làm một cái khung còm nhom mà vững chãi vô cùng. Rồi điều thuốc cháy đỏ cứ đưa lên đưa xuống. Ba rít hơi dài thật dài rồi ngước lên phà khói. Khói tan chưa hết nên khi ba cúi mặt xuống, vài đụn khói sót lại bao lấy gương mặt góc cạnh của ba. Nhìn ba như một cao bồi.

Vào những chiều có nắng, ba hay cởi trần và vẫn ngồi lặng im. Trời miền Trung cứ có nắng là nóng nực lắm. Dù là nắng sáng hay nắng chiều, thì nhiệt độ vẫn làm mồ hôi rịn ra thành dòng. Ba cứ ngồi trong ánh nắng chiều chiếu nghiêng. Mặc kệ cho những dòng mồ hôi vẽ nên những đường nét trên lưng. Lưng ba cứ như đường đua. Những dòng mồ hôi là những tay đua cuồng nhiệt nhưng lại chẳng tuân theo luật. Dòng này cứ chạy rồi quẹo trái quẹo phải đụng dòng kia rồi cùng đi \”đụng\” một dòng khác. Cuói cùng chẳng có kẻ thắng, chỉ có ba là nhễ nhại mồ hôi.

Nếu lỡ đứng xa nhìn ba trầm ngâm lúc chiều ta, sẽ thấy được chân dung ba đẹp lắm nhé. Ba thì lúc nào cũng như chàng cao bồi rồi. Nắng yếu yếu xuyên qua lớp kính sẽ viền dáng ngồi của ba rất vừa vặn. Những mồ hôi ướt mướt sẽ lấp lánh dưới nắng. Bây giờ lưng ba thôi làm trường đua. Giờ lưng ba là sân phơi đầy kim cương lấp lánh.

Tôi tiếc lắm vì tôi chẳng vẽ lại được dáng ba ngồi lúc ấy. Nhiều khi tôi cũng hỏi mẹ đấy chứ. Rằng sao ba cứ ngồi lặng im như bức tranh. Mẹ nói là ba đang suy nghĩ. Tôi lại tò mò ba nghĩ gì. Tôi thèm được phiêu lưu trong những điều ba nghĩ. Chắc rất hoành tráng nhỉ. Vì những thứ đồ ba làm ra biết bao nhiêu là sáng tạo, hẳn nhiên ba suy nghĩ sẽ rất khổng lồ rồi.

Sau này khi đã được ngồi uống rượu với ba tôi lại hỏi ba là ba thường nghĩ những chuyện gì. Bà nhấp rượu rồi trả lời tôi hài hước lắm. Ba nghĩ chuyện mẹ mặc áo dài đẹp lắm, nhưng nói ra miệng không quen nên ba cất lời khen trong đầu rồi … nghĩ về nó. Ba nghĩ tôi có dáng giống mẹ vì tôi mặc áo dài của mẹ tuy rộng nhưng đẹp lắm. Ba nghĩ mấy đứa tôi lớn lên sẽ có đứa này đứa khác, nhưng hóa ra chẳng cần lớn lên, từ nhỏ đã mỗi đứa một tính rồi. Ba nghĩ sẽ làm căn nhà thiệt to, vì nhà mình đông quá rồi. Ba nghĩ trời sẽ không mưa nhưng cũng phải lấy bạt phủ gỗ lại kẻo sương xuống thì ẩm mục hết. Ba nghĩ cái giếng mùa này mong đừng hết nước, nếu không cả nhà mình, nhà cô Chiến, nhà cậu Tám sẽ không có nước dùng. Ba nghĩ bà nội bà ngoại lớn tuổi rồi, may quá là chẳng ai có bệnh tật hay kén ăn mất ngủ. Ba nghĩ mấy cô dì chú bác bà con họ hàng, xa đến mấy cũng phải có thăm hỏi mỗi năm một lần. Nhưng ba nghĩ nhiều nhất là những đứa con của ba đứa nào cũng bướng giống ba, ba lo cuộc đời này phong ba nhiều sẽ vùi dập con của ba.

Nghĩ lại, ba trầm ngâm cho đẹp thôi chứ những suy nghĩ đó đâu có gì vui. Chắc ba suy nghĩ để nhấm nháp thuốc cho thi vị thôi. Dù sao thì con cũng biết rồi. Biết là ba của con cũng là người bình thường lắm. Chỉ là trong mắt con ba to lớn vô cùng, trong tim con những gì về ba đều lấp lánh và giàu hơi ấm.

Hóa ra những gì tôi hỏi ba, ba nói với tôi chỉ là những điều bình thường mà một người cha bình thường vẫn nghĩ.

Ai cũng sẽ có những lúc trầm ngâm. Và khi ba trầm ngâm, tôi biết ba đang nghĩ về chúng tôi.

Tôi lúc này đã lớn rồi. Dù có đọc nhật ký lại bao nhiêu lần thì cũng chẳng thể nhỏ lại để nhìn ba trầm ngâm thêm nữa. Nhưng tôi sẽ nhớ hoài thôi. Rằng ba tôi hay ngồi trầm ngâm như ngồi trước một quả núi thâm trầm. Còn tôi, với tôi ba là quả núi rồi. Quả núi để tôi tựa vào tươi xanh, tựa vào vững vàng, tựa vào bình yên.